hồi trước, nhưng trong thành Trường An dẫu sao vẫn có tiếng nói, bây giờ nàng độc lập ra làm ăn, phải cẩn thận kẻo lại thành cây to hút gió.”

Tôi cười nói: “Thế nên ta mới vội lôi kéo công chúa!”

Hắn hỏi: “Nàng định làm lớn đến đâu? Giống như Thạch phảng thời hưng vượng à?”

Tôi im lặng một lúc rồi lắc đầu: “Không biết nữa. Đi bước nào tính bước đấy thôi.”

Hắn đột nhiên bật cười: “Mạnh Cưu của Thạch phảng cũng là một người khá thú vị, nghe công chúa nói, mẫu thân của hắn và bệ hạ hồi nhỏ rất thân nhau, lúc còn bé từng được bệ hạ bế ẵm, vậy mà bây giờ bảo thế nào cũng không chịu vào cung, bệ hạ truyền vào lần nào là từ chối lần đấy. Thành Trường An chưa thấy có ai như vậy cả, có cơ hội ta phải gặp hắn mới được.”

Tôi thầm ngạc nhiên, máy miệng định nói, song nghĩ lại lập tức nuốt lời vào, ngước mắt nhìn ra cửa sổ, không trả lời hắn.

Tiễn Hoắc Khứ Bệnh về rồi, tôi đi tìm Lý Nghiên luôn, cảm thấy dù mình có suy tính thế nào cũng khó mà rút ra được kết luận, chi bằng cứ dứt khoát thành thật giãi bày lòng dạ với Lý Nghiên xem sao.

Khi đi ngang qua chỗ ở của Phương Như và Thu Hương, chợt nghe thấy trong nhà vang lên tiếng sáo thổi, tôi dừng bước lắng nghe, hóa ra Thu Hương đang học gảy đàn Không[2]. Cô ta, Phương Như và tôi học thổi sáo cùng nhau, vậy mà tôi bây giờ vẫn thổi khúc không thành khúc, điệu không đúng điệu, còn cô ta đã bỏ xa. Vừa nghe được một đoạn thì tiếng sáo của cô ta đột nhiên dừng lại, tôi lắc đầu khó hiểu tiếp tục đi đến chỗ của huynh muội Lý Nghiên.

[2] Loại đàn thời xưa, ít nhất có năm dây, nhiều nhất có hai mươi lăm dây.

Vừa đi được mấy bước chợt nghe thấy tiếng đàn cầm vọng ra từ trong vườn nhà Lý Diên Niên, róc rách như hoa trôi giữa dòng nước, mềm mại, thong dong. Tôi nghiêng đầu ngây ra nghe một lúc rồi lại đi tiếp. Tiếng đàn cầm ngừng, tiếng sáo lại vang lên. Tôi quay đầu nhìn về phía vườn nhà Phương Như rồi lại nhìn về phía vườn nhà Lý Diên Niên, nhìn trước nhìn sau mãi, chợt cảm thấy trong lòng rất vui vẻ, vừa cười vừa nhẹ nhàng bước vào nhà.

Thấy cửa phòng khép hờ, tôi khẽ gõ cửa bước vào. Lý Nghiên định đứng dậy, thấy tôi liền ngồi xuống, chẳng nói năng gì, chỉ im lặng nhìn tôi chằm chằm.

Tôi ngồi xuống đối diện cô ta: “Sao lại nhìn ta? Cứ làm như mới lần đầu gặp ấy.”

“Đợi cô giải thích.”

“Để hắn nhìn cô xem so với Trần A Kiều trong Trường Môn cung ra sao, so với Vệ hoàng hậu thì thế nào.”

Bàn tay đặt trên gối của Lý Nghiên khẽ run, nàng lập tức giấy tay vào ống áo, đôi mắt đen láy lấp đầy vẻ phức tạp.

“Ta giải thích rồi, bây giờ đến lượt cô, nếu thật sự muốn ta giúp tiến cung, phải nói cho ta biết rốt cuộc cô là ai. Ta không thích bị người khác lừa.”

Lý Nghiên nói: “Ta không biết cô đang nói gì.”

Tôi cười nói: “Ta cũng biết sơ sơ về xem tướng tay, muốn ta thử xem cho cô không?”

Lý Nghiên trầm lặng đưa tay cho tôi, tôi nắm lấy tay phải của nàng ta: “Lòng bàn tay nhiều đường nhánh, tâm tư phức tạp mẫn tiệp, các đường kẻ tay giao cắt nhau rất loạn, thâm tâm tràn đầy mâu thuẫn, ba đường chính vừa sâu vừa rõ, tuy đầy mâu thuẫn, nhưng cuối cùng vẫn cứng đầu cứng cổ kiên quyết làm việc đến cùng, đường sinh mệnh hơi mờ, hai đường giao hẳn nhau, hẳn phụ mẫu của ngươi chỉ có một người là người Hán…” Lý Nghiên giật mình toan giật tay lại nhưng bị tôi giữ chặt, tôi nói tiếp: “Một mình một đường, ắt hẳn thâm tâm có oán, đột ngột chuyển hướng, muốn bay cao hơn.” Lý Nghiên lại muốn rút tay lại, tôi đành buông tay.

Lý Nghiên: “Ta hành sự thế nào mà để lộ hình tích vậy?”

“Đôi mắt của cô rất đẹp, lông mi vừa dày vừa dài, uốn cong tự nhiên, da dẻ lại trắng mịn trong sáng, vũ đạo của cô cũng có nét khác thường.”

“Chuyện này chẳng có gì khác thường, trong thành Trường An không ít người học vũ đạo của người Hồ.”

Tôi cười nói: “Mấy chuyện này vốn dĩ không khác thường, dĩ nhiên có thể sơ suất mà không để ý tới. Dân Trung Nguyên ở giữa chốn đất đai phì nhiêu màu mỡ, căn bản không biết người sống ở sa mạc quý trọng màu xanh đến nhường nào, chỉ có người từng bôn ba phiêu bạt giữa sa mạc rồi mới hiểu được cảm giác kinh ngạc đến hạnh phúc khi bất ngờ bắt gặp sắc xanh giữa hoang mạc miên man cát vàng, một nhánh cây xanh ấy có thể cứu sống người lữ khách sắp chết. Gom cả mấy chuyện này lại, ta thực ra cũng không dám chắc, chỉ là trong lòng nghi hoặc thôi. Vì sa mạc cũng có người hủy cây lá, đất Trung Nguyên cũng không hiếm người yêu hoa. Trong lòng ta nghi vấn đầu tiên và lớn nhất chính từ chuyện cô ‘Một mình một đường, thâm tâm có oán, đột ngột chuyển hướng, muốn bay cao hơn’.”

Lý Nghiên hỏi: “Cô có ý gì?”

“Cô đoán được vài phần mục đích của vở Hoa nguyệt nùng, suy đoán được tâm ý muốn “bám rồng cưỡi gió” của ta liền bảo anh trai từ chối Thiên Hương phường đến Lạc Ngôn phường, tâm tư của cô là như thế nào? Nếu cô vừa chưa gặp ta mà hiểu lầm ý ta, thì ta gặp cô rồi liền nảy sinh nghi ngờ với cô. Cái chốn ba nghìn phòng ốc liên miên ấy có thể khiến nữ tử hạnh phúc không? Ta biết là không thể, cô cũng biết như thế, nhừng người thông minh không bao giờ chọn một nơi như thế, ta không chọn, tại sao cô lại chọn? Tiếng đàn của Lý sư phụ cũng là tiếng lòng, y không phải hạng người vì muốn bay cao mà đẩy em gái mình vào chốn đó, nhưng tại sao cô vẫn cứ kiên quyết làm theo ý mình? Ta quan sát cô từ cách ăn mặc đến hành vi cử chỉ, thấy không phải kẻ ham muốn quyền quý. Nếu không phải vì “ham muốn” vậy thì chỉ có thể vì “oán hận”, bằng không, ta thực sự không giải thích được tại sao một người có phong thái, khí chất cao quý thanh khiết như cô, rõ ràng có thể sống rất vui vẻ, cớ sao phải một mực tìm đường đào hố chôn mình trong nơi quái quỷ đó?”

Tôi đăm đăm nhìn nàng ta một hồi, chậm rãi nói tiếp: “Mười sáu tuổi, hoa niên rực rỡ, mà ánh mắt cô lại tràn đầy vẻ lãnh đạm băng giá. Ta hỏi qua Quảng Lợi về cuộc sống trước đây của cô, theo lời hắn nói thì ‘Phụ thân thương tiểu muội nhất, không bao giờ để muội ấy phải chau mày. Đại ca việc gì cũng tuân theo ý muội ấy. Mẫu thân rất ít nói, thích ngao du bốn bể, thương ta nhất và nghiêm khắc với muội muội’. Dù cô không phải là con ruột của bà ta, nhưng chắc cô cũng hạnh phúc chứ. Nỗi oán hận của cô từ đâu mà ra? Những nghi vấn này cứ quanh quẩn trong đầu ta, nhưng mãi vẫn không biết kết luận thế nào cho nên hôm nay ta đành hỏi thử xem sao, ta thì bắt nọn quá ghê, mà cô thì thừa nhận quá sớm.”

Lý Nghiên nghiêng đầu bật cười: “Bị cô bắt thóp, xem như là phục cô rồi. Cô đã bao giờ nghĩ về thân thế của bản thân mình chưa? Cô có phải người Hán không? Màu da của cô cũng trắng nõn không giống người Hán, tròng mắt cô nếu nhìn kỹ dưới nắng sẽ thấy lóe lên màu nâu, lại thêm lông mi của cô chẳng phải cũng dài mà cong đấy ư? Mấy đặc điểm này người Trung Nguyên cũng có thể có, nhưng cô lại cùng có một lúc cả ba đặc điểm, còn lớn lên ở Tây Vực.”

Tôi gật đầu: “Lúc quan sát cô, ta cũng nghĩ có khả năng cô là con gái lai Hán Hồ, đồng thời lại liên tưởng đến bản thân mình, phụ mẫu ta có khi cũng một Hán một Hồ. Nhưng mà ta vốn không quan tâm đến họ, ta chỉ biết người thân của ta là cha và Lang huynh, cố hương của ta ở bầy sói, cha của ta là người Hán, cha nói ta là người Hán thì ta chính là người Hán.”

Nụ cười của Lý Nghiên đông cứng lại trên mặt: “Tuy ta nhìn có vẻ giống người Hán, lại lớn lên ở Trung Nguyên, nhưng ta không phải là người Hán, vì mẫu thân không cho phép, người chưa bao giờ nhận mình là người Hán cả.”

Tôi kinh ngạc nói: “Mẫu thân của cô là người Hán? Vậy … vậy…” Lý Quảng Lợi kể với tôi rằng mẫu thân của họ rất nghiêm khắc với Lý Ngiên, khiến tôi lại tưởng là Lý Nghiên không phải con gái ruột bà.

Lý Nghiên chua xót cười: “Dòng họ thực sự của ta phải là “Thiện Thiện”[3].

[3] Tên một nước cõi Tây nhà Hán, vốn tên là Lâu Lan, nay thuộc tỉnh Cam Túc

Tôi hồi tưởng những gì Cửu gia từng giảng về phong thổ nhân tình Tây Vực: “Thân phụ của cô là người Lâu Lan?”

Lý Nghiên gật đầu cười, nhưng nụ cười ấy ẩn giấu vẻ cay đắng không thể nói thành lời, khiến lòng tôi cũng cảm thấy buồn theo: “Cô đừng cười nữa.”

Lý Nghiên vẫn cười nói: “ Cô có biết về các quốc gia Tây Vực không?”

Sao tôi có thể không biết chứ? Từ bé đã nghe biết bao chuyện về Tây Vực rồi. Tim tôi khẽ thắt lại, mỉm cười có chút khổ tâm rồi gật đầu.

Tây Vực có tổng cộng ba mươi sáu quốc gia: Lâu Lan, Ô Tôn, Quy Tư, Yên Kỳ, Vu Điền, Nhược Khương, Thư Mạt, Tiểu Uyển, Nhung Lô, Di, Cừ Lặc, Bì Sơn, Tây Dạ, Bồ Lê, Y Nại, Toa Xa, Sơ Lặc, Úy Đầu, Ôn Túc, Uất Lê, Cô Mặc, Ti Lục, Ô Tham Tí, Ti Lục Hậu Quốc, Đan Hoàn, Bồ Loại, Bồ Loại Hậu Quốc, Tây Thả Di, Đông Thả Di, Kiếp Quốc, Hồ Hồ, Sơn Quốc, Xa Sư Tiền Quốc, Xa Sư Hậu Quốc, Sư Xa Úy Đô Quốc, Xa Sư Hậu Thành Quốc.

Lâu Lan nằm phía ngoài Ngọc Môn Quan[4], vị trí địa lý vô cùng quan trọng, cho dù là Hung Nô tấn công Hán triều, hay là Hán triều tấn công Hung Nô, đều bắt buộc phải đi qua đất Lâu Lan.

[4] Tục gọi là Tiểu Phương Bàn, nằm khoảng 90km về phía Tây Bắc của thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc là một trong những cửa ải quan trọng nối liền con đường tơ lụa với địa phận Trung Quốc được thiết lập hai lần vào đời Hán và Đường.

Vì Lâu Lan là dân tộc du mục, phong tục khá gần với Hung Nô cho nên trước

sau luôn bị coi là thuộc địa của Hung Nô, trở thành cứ điểm cho quân Hung Nô cản trở và tấn công thương khách người Hán. Năm đó sau khi Hoàng đế tiếp quản chuyện triều chính, không chịu được cảnh Hán triều luôn phải giữ thế phòng vệ đối với quân Hung Nô, không cam lòng đem hòa bình đổi lấy cuộc sống yên thân tạm bợ qua ngày, không muốn cho Hung Nô chặn đường thông vào Tây Vực của Hán triều, cho nên mới phái sứ thần đi liên minh với Lâu Lan, dùng cả ân lẫn uy, khiến nước này phải thần phục, biến Lâu Lan thành nước đứng mũi chịu sào.

Hồi xưa cha thích kể cho tôi nghe những công lao vĩ đại của thiên tử Hán triều năm đó, mà khiến cho cha say sưa kể nhất chính là chuyện thiên tử Đại Hán thu phục các nước Tây Vực. Mỗi lần kể đến mấy chuyện này, ánh mắt đượm lo buồn u uất của cha lập tức trở nên hết sức phấn khởi, tựa như việc Đại Hán khiến Hung Nô phải xưng thần chỉ là việc sớm muộn, nhưng cùng một câu chuyện như thế qua lời kể Cửu gia, ngoài sự uy phong của Hán triều như trong câu chuyện của cha, còn có thêm nhiều điểm khác nữa.

Sứ giả Hán đi đến các nước Tây Vực hoặc quân đội Hán muốn tấn công Hung Nô, đều phải qua sa mạc Bạch Long Đôi nổi tiếng trên đất Lâu Lan. Vùng đất này rất nhiều gió bão, gió cuốn cát cuồn cuộn bay lên không giống như rồng cuốn, vậy nên mới được gọi là Bạch Long Đôi, địa thế nơi này lại hay thay đổi, người đi qua rất dễ lạc đường. Hán triều không ngừng lệnh cho Lâu Lan quốc phải cung cấp người dẫn đường, đồ uống và thực phẩm, chẳng những vậy, sứ giả Hán còn nhiều lần ngược đãi hướng đạo, quốc vương Lâu Lan không thể chịu được tình cảnh áp bức này, đã từ chối phục tùng mệnh lệnh của Đại Hán, Lưu Triệt trong cơn giận liền phái thích khách đi ám sát quốc vương Lâu Lan năm đó.

Lâu Lan bị ép giữa Hung Nô và Hán triều, tiến thoái lưỡng nan. Lúc hoàng đế Hán triều tức giận thì người dân Lâu Lan chịu cảnh lầm than, lúc Thiền vương Hung Nô tức giận thì Lâu Lan cũng phải đứng mũi chịu sào, thậm chí vì muốn cầu cho quốc thái dân an mà phải cắn răng đưa hai hoàng tử, một người đến Đại Hán, một người đến Hung Nô để làm con tin....


1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao 5,0/5, 1830 đánh giá
Facebook Google Plus Twitter
Bình luận
Cùng chuyên mục

Ring ring