Một gia nô theo sau tỳ nữ đi vào, trong tay cầm một cái lồng phủ vải đen, hành lễ với tôi và Hồng cô xong liền đặt chiếc lồng xuống đất.
“Có vẻ giống lồng chim, ai tặng cái này thế?” Hồng cô vừa hỏi vừa đứng dậy kéo miếng vải đen xuống.
Tôi hỏi: “Ai mang đến vậy?”
Gia nô bẩm báo: “Một người trẻ tuổi mang đến, không để lại tên, chỉ nói đưa cho phường chủ. Tiểu nhân hỏi thêm, hắn nói phường chủ cứ xem là sẽ biết.” Tôi khẽ gật đầu, cho gã lui ra.
“Đôi bồ câu đẹp quá!” Hồng cô ngạc nhiên kêu lên, “Nhưng đẹp thì đẹp chứ ích gì? Tặng một đôi đúc bằng vàng ròng có phải tốt hơn không.”
Tôi đứng dậy đi về phía chiếc lồng, ngồi xuống nhìn đôi chim. Chúng có bộ lông trắng như tuyết, mắt như hai viên hồng ngọc, một con đang co chân đánh giấc, con kia thấy tôi nhìn nó, cũng nghiêng đầu trừng mắt lên nhìn lại. Trong lòng tôi tự thấy vui vui, bèn kêu tỳ nữ mang hạt kê vào.
Hồng cô hỏi: “Ai tặng thế?” Bà đợi mãi, thấy tôi chỉ nhếch miệng mỉm cười, đành lắc đầu: “Cứ vui đi! Xong rồi thì mau nghĩ xem sau này diễn cái gì.” Nói xong liền xoay người bỏ đi.
Tôi đặt lồng chim lên trên bàn, cho bọn chúng ăn mấy hạt kê. Con chim đang ngủ kia vừa thấy đồ ăn liền thức dậy, bổ tới cướp mấy hạt kê ở bên mỏ con chim kia, con chim ấy cũng không nổi giận, chỉ nhìn nó ăn. Thấy vậy tôi vội bỏ thêm mấy hạt lê lên lòng bàn tay.
“Cái đồ tinh nghịch nhà ngươi gọi là Tiểu Đào[1], còn ngươi khiêm nhường như thế gọi là Tiểu Khiêm[2], ta gọi là Tiểu Ngọc.” Bọn chúng gù gụ đáp lại, chẳng biết có hiểu lời tôi nói không, đáng tiếc là tôi chỉ hiểu tiếng sói chứ không hiểu tiếng chim.
[4] “Đào” có nghĩa là “tinh nghịch”
[5] “Khiêm” có nghĩa là “khiêm nhường”
Ăn xong cơm tối, tôi vội vàng quay về Thạch phủ. Nhìn ngó hết cửa chính rồi lại nhìn sang tường bao, đang phân vân không biết nên đi lối nào thì hơn, cánh cửa tự nhiên mở ra, Thạch bá thò đầu ra hỏi: “Có phải Ngọc nhi không?”
Tôi trả lời: “Thạch bá, là Ngọc nhi ạ, bá bá vẫn chưa đi nghỉ ạ?”
Thạch bá mở cửa mời tôi vào: “Là Cửu gia dặn trông cửa chờ con.” Tôi vội cám ơn. Thạch bá đóng cửa rồi nói: “Mau vào trong đi!” Tôi hành lễ xong liền rảo chân chạy vào Trúc Quán.
Rèm trúc đã vén lên một nửa, tôi chỉ hơi xoay người, không chạm tới rèm trúc, nhẹ nhàng bước vào trong phòng. Cửu gia cười tán dương: “Thân thủ nhanh nhẹn.” Trong lòng tôi đâm ra ảo não, sao lại cuống lên như thế chứ? Nhưng ngoài mặt vẫn chỉ bình thản cười cười.
Tôi ngồi xuống bên cạnh y: “Đa tạ huynh tặng chim bồ câu, muội rất thích, chúng đã có tên chưa? Muội thuận miệng đặt tên mất rồi.”
Cửu gia hỏi: “Chỉ đánh số thôi, đặt tên là gì rồi?”
Tôi đáp: “Một con bá đạo tinh nghịch tên là Tiểu Đào, một con ôn hòa khiêm tốn gọi là Tiểu Khiêm.”
Cửu gia bật cười: “Vậy muội là Tiểu Ngọc rồi.”
Tôi hơi vênh cằm lên cười nói: “Đương nhiên! Lần sau giới thiệu huynh thì nói là Tiểu Cửu.”
Cửu gia chỉ cười không tỏ vẻ gì, đưa cho tôi một cây sáo trúc nhỏ: “Theo lời sư phụ huấn luyện bồ câu, đó là hai con tốt nhất mà ông ta huấn luyện trong mấy năm qua, sợ bọn chúng nhận chủ sớm quá nên mỗi lần cho ăn uống đều không để chúng nhìn mặt mình. Tháng đầu tiên có muội mới được cho bọn chúng ăn uống thôi, đợi khi bọn chúng quen với muội rồi thì có thể không cần lồng nữa.”
Tôi tỉ mỉ ngắm nghía chiếc sáo, thấy hết sức tinh xảo, bên ngoài có khắc một đôi bồ câu sát cánh bay lượn, đoạn cuối còn đục một lỗ nhỏ, có thể thắt một sợi dây để tiện cài mang theo người.
Tôi đặt sáo lên môi thổi thử một hơi, lập tức một âm thanh như tiếng chim hót chói tai rít lên đau đến thủng màng nhĩ, khiến tôi phải vội vàng bỏ ra.
Cửu gia cười nói: “Đây là sáo trúc đặc biệt, âm thanh khác nhau biểu thị mệnh lệnh khác nhau, bồ câu từ bé đã được huấn luyện, có thể nghe theo mệnh lệnh của muội.”
Tôi vui mừng hỏi: “Huynh dạy muội thổi được không?”
Cửu gia nói: “Đã tặng muội bồ câu, chẳng lẽ không dạy muội cách dùng sáo? Nói xong y liền lấy một chiếc sáo trúc khác đặt lên môi, tôi vội vàng chụp hay tay lên bịt tai, nhưng không ngờ lại nghe thấy một âm thanh hết sức trong trẻo êm tai.
Âm sắc đơn điệu, nhưng cả bài trôi chảy, sống động, giống như tiếng vui đùa của trẻ con nông thôn, lại có vẻ động lòng người rất riêng.
Cửu gia thổi hết khúc nhạc, đoạn quay sang nhẹ nhàng giảng cho tôi thanh âm của sáo và các mệnh lệnh tương ứng, vừa giảng vừa làm mẫu, ý bảo tôi học làm theo.
Ngoài cửa sổ gió ấm áp, bóng trúc lắc lư, trong nhà một thầy một trò, người cười người mắng.
Hương thơm của loài hoa nào đó phảng phất bao phủ căn phòng, tựa như muốn hòa vào sự hoan hỉ vương vấn quấn lấy chúng tôi.
Trong lòng tôi run rẩy rung động, đờ đờ đẫn đẫn, cuộn lên từng đợt, rồi lại hạ xuống từng đợt, như tơ như sợi, liên miên không dừng.
Ánh mắt đung đưa khẽ chạm tầm nhìn của nhau, như hữu tình mà cũng như vô ý.
Đắm say, đắm say, chỉ vì niềm vui sướng đến say mê này mà tim không sao kìm được cứ thế đắm chìm. Chương 7: Thân thế
Tôi cầm bút lông, vừa nghịch bút vừa suy nghĩ một hồi mà vẫn không nghĩ được điều gì. Tiều Đào đột nhiên từ ngoài cửa sổ đột nhiên bay vù vào, nhằm thẳng hướng tay tôi, tôi vội vàng ném bút rụt tay lại, nhưng vẫn bị mực vẩy vào tay áo. Tiểu Khiêm nhẹ nhàng thu cánh đậu xuống khung cửa sổ, nhìn Tiều Đào bằng ánh mắt bất lực và nhìn tôi bằng vẻ thương hại.
Tôi tức giận túm lấy cổ Tiều Đào: “Đây là bộ thứ mấy rồi hả? Thứ mấy rồi? Hôm nay ta phải biến ngươi từ “bạch Lý tiểu[1]” thành ‘quạ đen’ mới được”. Nói rồi tôi tiện tay vớ lấy một chiếc khăn tay nhúng vào nghiên mực, thấm cho thật đẫm rồi bôi lên mình Tiều Đào.
[1] Hàm ý trắng đẹp lại thông minh, lanh lợi
Tiều Đào liên tục vỗ cánh, ra sức rít lên. Tiểu Khiêm ở cạnh đó dường như tiến thoái lưỡng nan, không biết nên làm thế nào, chỉ “gù gụ” mấy tiếng rồi dứt khoát nằm xuống khung cửa vùi đầu vào cánh ngủ, coi như khuất mắt trông coi.
Có vẻ Tiểu Đào đã hiểu hôm nay tôi thực sự rất tức giận, càng phản kháng chỉ tổ càng thêm đau, nên dần dần trở nên thuần tính, ngoan ngoãn để tôi bôi mực lên khắp mình. Tôi phết mực đến gần nửa thân nó rồi mới hậm hực thả ra, để lại một mặt bàn nhoe nhoét mực.
Ngoài cửa tự nhiên nghe thấy tiếng vỗ tay: “Thật là hay ho, bắt nạt cả một con bồ câu.” Hoắc Khứ Bệnh đứng tựa người vào khung cửa, đang cười hết sức vui vẻ.
Tôi bực mình nói: “Ta bắt nạt nó? Người sao không hỏi nó xem thường ngày bắt ta như thế nào? Đồ ăn, đồ mặc, đồ dùng, có cái gì mà chưa bị nó làm hỏng? Tôi còn đang mải kể khổ thì Tiều Đào đột nhiên dang rộng hai cánh, giũ mạnh thân một cái, rồi vẫy cánh bay ra ngoài. Đến khi tôi kịp phản ứng, cố gắng ngửa người ra sau, thì đã cảm thấy có cái gì mát mát trên mặt, tựa như nghìn vạn giọt mực vừa mới bắn tung lên đó.
“Tiểu Đào, ta phải hầm người lên ăn mới được!” Tôi giận dữ gào lên thảm thiết tức trong khi Hoắc Khứ Bệnh cười ha hả, còn con ‘quạ đen” kia đã bay ra khỏi cửa sổ, rồi biến thành một chấm đen bé tí trên bầu trời xanh thẳm trong tích tắc.
Tôi quay đi dùng khăn tay lau mặt, Hoắc Khứ Bệnh đứng sau lưng cười nói: “Đằng nào cũng bị nhìn thấy hết rồi, bây giờ mới tránh thì quá muộn.”
Tôi hét ầm lên: “Ngươi biến đi! Ai cho ngươi vào đây?”
Hắn vừa cười vừa đi ra khỏi phòng, tôi cứ tưởng hắn bỏ về, nhưng lại nghe thấy tiếng múc nước ở cái vại trong vườn, không lâu sau, hắn quay lại, từ sau lưng đưa cho tôi một chiếc khăn đã được vò sạch, tôi im lặng nhận lấy khăn rồi vội vã lau mặt.
Cảm thấy khá sạch sẽ rồi, tôi mới quay người lại nói: “Cảm ơn”. Hắn nhìn tôi, chỉ tay vào phía dưới tai mình, tôi liền lấy lại khăn lau lau, hắn lại chỉ vào trán tôi, tôi lại lau trán, hắn chỉ vào mũi, tôi đang định lau thì đột ngột dừng tay, trừng mắt nhìn hắn. Hắn bò ra bàn, vai rung rung, không nói gì chỉ phá lên cười. Tôi ném khăn tay vào người hắn, đứng dậy, tức giận quát: “Ngươi chơi với Tiều Đào có khi hợp hơn đấy.”
Hắn cười hỏi: “Nàng đi đâu đấy? Ta vẫn chưa nói hết chuyện với nàng.”
Tôi vừa ra khỏi cửa vừa nói: “Đi thay áo.”
Lúc tôi quay lại thư phòng, hắn đang ngồi đọc mấy cuốn sách thẻ tre trên giá, nghe thấy tiếng tôi bước vào liền ngẩng đầu lên nhìn tôi hỏi: “ Kim cô nương, nàng định làm nữ tướng quân sao?”
Tôi giật lấy bản ghi chép Tôn Tử binh pháp khỏi tay hắn, đặt lại lên giá: “Chưa được chủ nhà cho phép mà dám tự tiện lục lọi xem xét lung tung, đúng là hành vi của tiểu nhân.”
Hắn cười nói: “Ta chẳng phải quân tử, nàng cũng chẳng phải thục nữ, vừa khéo hợp nhau.”
Tôi định đáp lại thì thoáng thấy Lý Nghiên đi vào tiểu viện. Thấy trong phòng có người ngoài, nàng quay người định đi luôn. Tôi kéo kéo tay áo của Hoắc Khứ Bệnh, rồi lên tiếng gọi Lý Nghiên vào.
Lý Nghiên tiến vào phòng, Hoắc Khứ Bệnh liền nhìn nàng chằm chằm, không nói một lời, tôi liếc nhìn hắn nói: “Có muốn ta tìm khăn tay cho ngươi lau nước dãi không?”
Ánh mắt của hắn vẫn không di chuyển, chỉ chăm chú dán vào Lý Nghiên, khóe miệng nhếch lên một nụ cười xấu xa: “Vẫn chịu đựng được, không phải lo.”
Lý Nghiên im lặng hành lễ với tôi, nhưng ánh mắt đầy vẻ ngờ vực, tôi còn chưa nói gì thì Hoắc Khứ Bệnh đã lạnh lùng ra lệnh: “Kéo khăn che mặt xuống”.
Lý Nghiên hờ hững nhìn Hoắc Khứ Bệnh, tôi vội giới thiệu kẻ phóng túng khoa trương háo sắc này là ai. Ba chữ “Hoắc Khứ Bệnh” vừa ra khỏi miệng, Lý Nghiên đã kinh ngạc nhìn tôi, rồi lại nhìn sang Hoắc Khứ Bệnh, trong mắt ẩn giấu vẻ trầm ngâm suy xét.
Tôi vốn định giải vây giúp Lý Nghiên, nhưng nghĩ lại không muốn lãng phí tâm tư lần này của Hoắc Khứ Bệnh, nên cuối cùng chỉ im lặng đứng sang một bên.
Lý Nghiên cúi đầu hành lễ với Hoắc Khứ Bệnh, đoạn đưa mắt nhìn tôi, thấy tôi không động tĩnh gì, bèn chậm rãi kéo khăn che mặt xuống.
Hoắc Khứ Bệnh sỗ sàng nhìn chằm chằm vào nàng ta một hồi, rồi nói: “Ngươi đi được rồi.”
Lý Nghiên kéo khăn che mặt, cúi người hành lễ với Hoắc Khứ Bệnh rồi xoay người lui ra.
Tôi hỏi: “ Có xinh đẹp mĩ miều như hoàng hậu hồi gặp bệ hạ lần đầu không?”
Hoắc Khứ Bệnh khẽ gật đầu: “Ta không nhớ rõ dung mạo thời trẻ của di mẫu, nhưng chắc là có. Xinh đẹp chỉ là thứ yếu, điều hiếm thấy là cô gái này biết tiến biết lui rất có chừng mực, bị đặt vào tình thế bất lợi như vừa rồi mà cử chỉ phong thái vẫn hết sức ung dung tao nhã, thấy ta sỗ sàng như vậy mà không hề kinh ngạc hay tức giận, trong nét mềm mại lại ẩn vẻ cương nghị cứng rắn, còn cứng rắn hơn cả nàng!”
Tôi lạnh nhạt hừ một tiếng không đáp.
Hắn hỏi: “Nàng định bao giờ đưa cô ta tiến cung?”
Tôi lắc đầu: “ Không biết, trong lòng ta vẫn còn một chút nghi vấn chưa giải thích được. Nếu cô ta không đưa ra một lời giải thích thỏa đáng hợp lòng, thì ta không muốn dính dáng gì đến cô ta cả.”
Hoắc Khứ Bệnh bật cười: “Nàng cứ từ từ mà suy xét, cẩn thận đừng để bọn họ giật mất giải đầu. Dung mạo của cô ta thật phi phàm, nhưng thiên hạ rộng lớn, ngày xưa sau Trần A Kiều có Vệ hoàng hậu bây giờ lại có cô ta, nàng không thể bảo đảm trong thành Trường An lúc này không có ai xinh đẹp ngang ngửa cô ta.
Tôi nhún nhún vai cười: “Ngươi nói tìm ta có việc, là việc gì?”
Hắn nói: “Nàng và Thạch phảng có chuyện gì thế?”
Tôi nói: “Đường ai nấy đi rồi.”
Hắn nói: “Thạch phảng tuy không còn bề thế như ...